Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Bốn

 TRƯỜNG QUY
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Mới biết nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy !

Tú Xương

Trường quy là những luật lệ học trò phải tuân theo khi làm văn bài, một phần để phòng ngừa gian lận, một phần để tỏ lòng tôn kính vua và các quan trường. Không tuân theo những luật lệ ấy thì gọi là "phạm trường quy".

Dưới đây xin lược lại một số luật lệ, tạm chia làm hai loại :

a - Tội nặng tên bị nêu lên "bảng con" (bằng phên trét vôi trắng mỗi bề độ 1 thước, trên ghi tên những người phạm tội nặng). Tên bị nêu lên "bảng con" là một điều sỉ nhục đối với sĩ tử.

b - Tội nhẹ chỉ bị đánh hỏng.
 

I - NHỮNG TỘI BỊ NÊU LÊN "BẢNG CON"

1 - Kỵ húy là khi làm văn bài, gập tên vua, tên hoàng hậu... cấm không được viết thẳng tên ra mà phải tìm cách viết tránh đi sao cho người đọc vẫn đoán ra được chữ húy phải tránh, nếu không tránh sẽ mắc tội "phạm húy". Phạm húy có hai loại :

a - trọng húy là tên vua, tên các tiên đế, cấm ngặt không được dùng, gọi là tuyệt bút ;

b - khinh húy là tên đệm của vua, tên hoàng hậu, hoàng thái hậu, tên tiên tổ lâu đời... phải tĩnh hoạch nghĩa là viết bớt đi một nét, gọi là "kính khuyết nhất bút", hoặc thêm một nét vv.

Thời nhà Nguyễn, năm 1825 ban điều cấm 5 chữ quốc húy, khi đọc phải tránh ra tiếng khác, khi viết phải tách chữ húy ra làm hai :

Noãn : bên tả chữ ""nhật", bên hữu chữ "viên" ;

Ánh : bên tả chữ "nhật", bên hữu chữ "ương" ;

Chủng : bên tả chữ "hòa", bên hữu chữ "trọng" ;

Hiệu : bên tả chữ "nhật", bên hữu chữ "giao" ;

Ðởm : bên tả chữ "nguyệt", bên hữu chữ "chiêm", hay chữ "đán" (1).

Vì mỗi người kiêng một cách, có khi dùng chữ cận âm, có khi dùng chữ cận nghĩa, nên rất khó đoán. Thí dụ :

Thì viết thay bằng một chữ cận âm thành thìn

Nhậm thay bằng một chữ cận nghĩa thành dụng.

Ngô Thì Nhậm biến thành Ngô Thìn Dụng.

Khi đọc những văn bản cũ, người ta thường phải đọc suốt bài trước rồi mới đoán những chữ kiêng kỵ sau. Kỵ húy có cái lợi là nhờ kiêng chữ húy người đời sau có thể đoán biết sách viết dưới thời vua nào. Ngô Thì Nhậm mà đổi ra "Ngô Thìn Dụng" tất là sách viết thời Tự-Ðức, vì húy của Tự-Ðức là Hồng Nhậm và khi lên nối ngôi chọn tên là Thì.

Ngô Ðức Thọ tìm thấy tới 11 cách viết kỵ húy trong các văn bản xưa (2).

Luật lệ năm 1877 quy định cách trừng phạt những người phạm húy : Thi Hương phạt đánh 80 trượng, nếu làm quan có phẩm trật thì giáng 2 cấp, đổi đi nơi khác ; thi Hội đánh 90 trượng, giáng 3 cấp, đổi đi nơi khác, nếu không làm quan nhưng đã thi đỗ thì chỉ xóa tên trong sổ những người thi đỗ ; thi Ðình đánh 100 trượng, giáng 4 cấp, đổi đi nơi khác, nếu không làm quan nhưng đã thi đỗ thì xóa tên trong sổ những người thi đỗ, cách về sổ xuất thân cũ.

Vì luật lệ gắt gao nên trước hôm thi một ngày, quan trường phải cho yết bảng những chữ húy ở cửa trường để nhắc nhở học trò nhớ mà tránh. Trên bảng, chính quan trường cũng phải kiêng húy, học trò đọc phải đoán ra những chữ nên tránh.

Theo Ngô Ðức Thọ thì sử sách của ta bắt đầu chép kỵ húy từ nhà Trần : Năm 1232, lấy cớ ông tổ họTrần tên là Lý, bắt tất cả những người họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn (như trường hợp Nguyễn Triệu Luật vốn là dòng dõi các vua nhà Lý).

Nhà Mạc chỉ kiêng âm, không định lệ kiêng viết.

Nhà Lê Trung Hưng cũng không bắt buộc, kiêng trong văn bản là tự nguyện. Năm 1772, Lê Quý Ðôn làm Giám khảo thi Hội, ra đề không kiêng tên vua Lê chúa Trịnh :

Kỳ 3 : "Ðức quân dĩ nhật tân " (Ðại Học) = mỗi ngày tu đức, đổi mới, tiến lên. (Người tu thiện mỗi ngày suy nghĩ, làm điều thiện cho thành thói quen, sửa tính mình cho thêm thiện, làm đến cùng cái thiện thì thành Thánh nhân) (3).

Duy Tân là tên vua Lê Kính Tông.

Kỳ 4 : "Ðồ giang dư lương" (Mạnh Tử ) = cầu lớn cho người đi bộ, cầu nhỏ cho xe đi. (Mỗi năm vào tháng 11 bận việc nông, nhà cầm quyền nên sửa những cái cầu nhỏ giúp người đi bộ qua sông ; đến tháng chạp, việc đồng áng đã xong thì sửa cầu lớn để giúp xe cộ qua lại) (4).

Giang là tên chúa Trịnh Uy Nam Vương.

Nhà Tây Sơn không kiêng.

Húy kỵ thời nhà Nguyễn phức tạp nhất, đặc biệt dưới thời Thiệu-Trị.

2 - Khiếm tị : Cấm viết tên các cung điện, lăng tẩm vv. Năm 1847, Ðặng Huy Trước thi Hội, bị đánh hỏng tuột, mất luôn cả chân Cử-nhân vì bài văn sách có câu "gia miêu chi hại " vốn chỉ có nghĩa là " hại lúa tốt", song Gia-miêu lại là tên quê hương của nhà Nguyễn (thuộc huyện Tống-sơn, Thanh-hóa), thành ra phạm tội khiếm tị (5).

3 - Khiếm trang là thiếu kính cẩn đối với vua. Bên những chữ vua, hoàng thượng vv. không được viết những chữ như hôn (ngu tối), hung (dữ), sát (giết) vv. khiến người đọc có thể hiểu lầm, dù hai chữ thuộc hai câu khác nhau nhưng đứng sát bên nhau vẫn kể là có tội. Thí dụ :

"Thần vũ bất sát, đế đức quảng phu" = "oai mãnh thiêng liêng không cần giết ai, đức của nhà vua vẫn lan rộng", chỉ là một câu chủ ý tán tụng vua, song vì chữ "sát" đặt bên chữ "đế", mặc dầu cách một dấu phẩy, cũng vẫn có thể có nghĩa là "giết vua" (6).

4 - Khiếm đài. "Ðài" là khi viết phải nâng chữ lên hàng trên để tỏ lòng tôn kính. "Ðài" có ba bậc tùy nặng hay nhẹ : gập những chữ như thiên, địa thì đài lên cao tột bậc, cao ba hàng, gọi là hàng du cách ; gập những chữ trỏ vào bản thân vua như hoàng thượng thì "đài" lên hai bậc ; gập những chữ trỏ vào đức tính hay công việc làm của vua thì chỉ "đài" lên có một bậc. "Khiếm đài" là phạm tội quên không "đài". Quên không "đài" là tội nặng, "đài" không đúng hàng thì tội nhẹ hơn, chỉ bị đánh hỏng.

5 - Khiếm cung. Làm bài khi tự xưng mình với quan trường thì viết chữ "sĩ" phải viết nhỏ bằng nửa chữ thường và lệch về bên hữu để tỏ ý khiêm tốn. Trong bài văn sách đặc biệt có ba chữ "sĩ" phải khiếm cung, ba chữ ấy nằm ở :

- dòng đầu, khi mở bài phải viết :"Ðối sĩ văn" nghĩa là "Thưa tôi nghe" (nếu là thi Ðình, viết cho vua xem thì đổi là :"Ðối thần văn" ) ;

- đoạn cuối, trong câu viết theo khuôn sáo :"Sĩ giả hạnh phùng thịnh thế, tòng sự văn trường, quảng kiến như tư, vị trí thị phú, nguyện chấp sự kỳ trạch dĩ văn" = tôi may gập thời thịnh, theo đòi việc trường văn, thấy đẹp như vậy, không biết có phải hay không, xin các quan lựa chọn mà tâu lên cho" ;

- khi kết thúc bài văn thì viết :"Sĩ cẩn đối" = "tôi cẩn thận thưa" (7).

6 - Bất túc / bất cập là viết không đủ quyển.

7 - Duệ bạch là để quyển trắng hay chỉ viết được mấy dòng. Trường hợp này chính thầy dậy học cũng bị tội vì đã cho phép học trò đi thi khi chưa đủ sức.

Năm 1855, Nguyễn Hữu Kiêu, Ấm sinh ở Quốc tử giám, thi Hương viết không đủ quyển. Quan ở bộ Lại cho là các quan ở Giám sát hạch không tinh, xin theo lệ Ðốc học các tỉnh, cứ mỗi tên học trò có vết xấu thì thầy bị phạt bổng 9 tháng lương. Vua y (8).
 

II - TỘI NHẸ

Những tội sau đây chỉ bị đánh hỏng, có khi còn được quan trường châm chước :

1 - Những chữ viết thừa hay thiếu nét. Bạch tự là những chữ thiếu nét hoặc đáng lẽ phải viết kép như "ngày, tháng, năm" (để tránh những chuyện sửa đổi, gian lận) lại viết như thường.

2 - Di tự là bỏ sót chữ.

3 - Ðồ bất thành tự : những chữ viết sai, muốn xóa chỉ được chấm 3 cái lên mặt chữ để người ta nhận rõ nguyên hình và kiểm soát xem có phạm húy hay không, xóa mù tịt là "đồ bất thành tự".

4 - Tì ố. Quyển thi không được có vết bẩn như mực lem nhem... e làm dấu hiệu ngầm với quan trường. Cái ống quyển để đựng văn bài của học trò có công dụng là che cho quyển văn không bị mưa làm nhoè nhoẹt khi đi từ lều lên nhà Thập đạo để xin dấu "Nhật trung", hay nộp quyển.

Năm 1849, Nguyễn Thông thi Hội bị đánh hỏng chỉ vì quyển bị "tì ố".

5 - Dấu Nhật trung là con dấu đóng trong trường thi vào khoảng giữa trưa, khi đã bắt đầu chép được ít nhất là 2 dòng rưỡi vào quyển văn thì phải đến nhà Thập đạo xin dấu Nhật trung, đóng lên chỗ đang viết dở để chứng tỏ bài làm trong trường thi chứ không phải đem bài làm sẵn vào trường. Nếu viết ít quá thì lại phòng không chịu đóng dấu.

Gập dấu Nhật trung phải bỏ trống, không được viết đè lên.

Thời Lê Trung Hưng, để tránh gian lận, có khi chúa Trịnh bắt thi ban đêm, khi ấy người ta không lấy dấu "Nhật trung" mà lấy dấu "Tí sơ" (9).

6 - Dấu Giáp phùng là con dấu mang những chữ "Văn hành công khí" (= cái cân văn là của chung). Dấu này đóng ở giữa khe trang 2 và trang 3 trước khi phát quyển cho học trò, mục đích để kẻ gian không thể tháo ra đánh tráo những tờ viết bài làm sẵn từ trước.

Chỗ có dấu Giáp phùng phải viết đè lên trên.

7 - Thiệp tích : chung quanh hai dấu "Nhật trung" và "Giáp phùng" cấm không được "đồ (xóa), di (sót), câu (móc), cải (sửa)". Nếu lỡ lầm thì phải cánh quyển, tức là thay quyển mới rồi lên nhà Thập đạo xin lại hai dấu "Giáp phùng" và "Nhật trung".

8 - Cộng quyển nội : Làm bài xong, cuối quyển phải viết "Cộng quyển nội " và ghi rõ số chữ bị xóa hay sửa, móc vv. trong bài, không được phép xóa, sửa quá 10 chữ (10).

Năm 1900, tại trường Nghệ, Ðoàn Tử Quang, 82 tuổi, đáng lẽ đỗ Á nguyên, chỉ vì quên không viết "Cộng quyển nội", lại tẩy xóa nhiều quá, suýt bị đánh hỏng. May được chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh thấy già cả, làm sớ tâu xin cho đỗ nên được lấy đỗ áp bét (11).

9 - Ngoại hàm : Viết xong phải nộp quyển ở nhà Thập đạo để lại phòng đóng dấu Vỹ vào cuối quyển trước khi bỏ vào hòm đựng quyển. Khi trống thu quyển đánh xong ba hồi thì khóa hòm, nếu nộp quyển sau khi niêm phong hòm thì phạm tội Ngoại hàm. Những quyển bị "ngoại hàm" không được chấm nhưng quan trường vẫn đọc để xem có phạm trường quy không.

Vì quy luật trường thi đã nhiều lại khe khắt nên có những người dẫu tài giỏi mà chỉ vì sơ suất, phạm trường quy nên không thi thố tài năng với đời được. Tài hoa như Tú Xương mà thi tới 8 khoa chỉ có mỗi một lần đỗ Tú-tài hạng bét, năm 1894, cũng vì tội phạm trường quy.

Triều đình không phải là không nhận biết, Minh-Mệnh có lần nói :"Nghề học do Khoa mục tiến thân thì lại bị trường quy bó buộc, không khỏi lao đao chốn trường ốc" (12).
 
 
 

CHÚ THÍCH

1 - Thực Lục, VII, tr. 178.

2 - Nguyễn Trọng Nghĩa, "Nghiên cứu chữ húy Việt-Nam", Diễn Ðàn số 70, 1/1/1998.

3 - Ðại Học, tr. 8-9 - Khổng Học Ðăng, tr. 261 : Vua Thang hằng lưu tâm đến "minh đức" nên chậu tắm cho khắc những chữ "Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân", nghĩa là muốn "minh" cái "minh đức" của mình tất hàng ngày phải gột rửa những cái xấu trong mình sao cho được một ngày một mới, hàng ngày thành thật đổi mới, càng ngày càng mới, tức là mình sửa đức mỗi ngày một tiến, trước sửa mình, sau dậy dân đổi mới, biến hóa phong tục.

Tuân Tử, tr. 61.

B.H. Cẩn, Lê Quý Ðôn, tr. 185, chép là :"Dĩ quân đức nhật tân".

4 - Mạnh Tử, tr. 38-9 :"Tuế, thập nhất nguyệt, đồ giang thành ; thập nhị nguyệt, dư lương thành".

5 - C.X. Dục, Ðăng Khoa Lục, tr. 97.

6 - P.T. Ngữ, Giản Ước Tân Biên, I, tr. 84.

7 - Lều Chõng, tr. 141-2.

8 - Thực Lục, XXVIII, tr. 268.

9 - N.T. Luật, Bốn con yêu..., tr. 129. Xin xem bài "Thi ban đêm" ở cuối chương này.

10 - Thực Lục, XI, tr. 256-8.

11 - Lãng Nhân, Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, tr. 299.

12 - Minh-Mệnh, I, 163.
 

THI BAN ÐÊM

(Thời Lê Trung Hưng, để tránh gian lận nên cứ mỗi khoa thi, đến kỳ văn sách, nhà nước bắt sĩ tử làm bài vào lúc đêm tối. Khi đã chép đầu bài, nghe xong ba hồi trống "diệt hỏa" (tắt lửa) là bao nhiêu nến, bạch lạp, đèn dầu trong các lều phải tắt hết. Sĩ tử phải lấy tay bấm phỏng lấy dòng mà viết mò trong xó tối. Vì phải viết như thế nên được phép viết tháu. Và vì viết tháu trong xó tối nên sĩ tử mới bầy ra lối viết "tháu đấm" cho nhanh. Chữ "tháu đấm" là viết một bộ phận chữ ở giữa rồi "đấm" hai bên tả hữu hai nét chấm. Mười chữ thì viết "tháu đấm" đến sáu, bẩy. Lâu dần "tháu đấm" thành một lối thư pháp đặc biệt. Lối viết tháu ấy ra ngoài cả phép tắc viết của các thiếp chữ thảo của Tầu).

(...) Mọi khoa tựu trường từ giờ sửu, trời còn tối mò. Khoa này tựu trường từ trưa đến tối mới gọi hết tên. Rồi thì bắt đầu làm bài từ tối đến sáng. Vì là Thịnh khoa (thi Hương, thi Hội cùng một năm = Kỷ Hợi, 1779) nên văn sách "tháu đấm" làm ngay từ kỳ đệ nhất là muốn lọc sĩ tử ngay từ kỳ đầu cho nhanh, cho tiện, mọi khoa kỳ "tháu đấm" thường vào kỳ cuối để so sánh với các bài kỳ trước xem có thật do sĩ tử làm hay mượn ai tá gà hộ.

(...) Trời ngả dần mầu xám. Trong các lều đã le lói có ngọn lửa đèn dầu sở bằng đất Thổ-hà. Tiếng giun dế đã bắt đầu rền rĩ như khúc nhạc âm ỷ não nùng. Trên nhà Thập đạo, trên bốn chòi cổng, những ngọn bạch lạp cố hết sức phá màn tối trời đầu đông.

Trăng bắt đầu ló vừng gương bạc ở đằng đông, chiếu xuống hàng vạn cái lều khum khum san sát như bát úp trong trường thi. Dưới bóng trăng, vải lều cũ cũng như mới, đều tráng một mầu óng ánh dễ coi. Gió bấc lạnh lùng thổi lồng vào kẽ chân lều, khiến nó lung lay, bập bùng như muốn nhổ cọc mà bay. Ðứng trên các chòi trông xuống, tựa như một bầy rùa vàng bạc động mui muốn bò.

Sĩ tử đã cắm lều xong, đương chép đầu bài (...) Ba hồi trống "diệt đăng " đã nổi. Rứt hồi trống, đèn lửa trong lều đều tắt cả. Sĩ tử cắm đầu nghĩ, cắm đầu viết "tháu đấm".

Hồi ấy thành một thói quen, các ông ấy viết tài lắm, bấm dòng trong xó tối thế mà chữ viết thẳng thắn lắm, chỉ phải cái tội tháu lòi tói. Những chữ như chữ quốc viết tháu chữ vương ở giữa rồi đấm hai bên hai chấm, chữ tuy viết một nửa rồi "đấm" hai bên hai chấm vv. là những chữ nay còn sót lại của lối viết "tháu đấm" hồi ấy.

Giờ tí, lác đác đã có người nộp quyển giữa lúc nhiều người còn lấy dấu "tí sơ", còn cánh quyển.

Cuối sửu, người nộp quyển đã hơi nhiều.

Lều cứ theo số người nộp quyển mà bớt số. Dần dần trong trường chỉ còn vài trăm lều những sĩ tử nộp xong ngủ lại trường thi và vài chục quyển chưa xong, sắp bị ngoại hạn.

Ðầu mão, một hồi trống thu quyển lần cuối cùng. Lác đác khi đó có mươi mười lăm người lên nhà Thập đạo nộp quyển.

Sáng ngày, lều nhổ đi hết, khu trường thi trông tựa một chiến trường - Thây nằm đầy đồng không có, nhưng có lá chuối gói bánh, giấy lộn vứt đầy trường. Máu chẩy thành suối không có, nhưng có loang lổ hàng vạn miếng đất tròn tròn bị đè nhẵn, cỏ rẹt xuống. Sát khí không thấy ngất trời, nhưng ở đâu người ta cũng ngửi thấy mùi chả ba-bọ, cơm nắm, ruốc bông.

Lược trích Nguyễn Triệu Luật, Bốn con yêu và hai ông Ðồ


 [  Trở Về   ]